Nâng cao năng lực tự quản của Luật sư

(Cập nhật: 2/24/2017 11:27:49 AM)

Những ngày nghiên cứu, khảo sát ở Nhật Bản, các thành viên của Đoàn công tác Liên đoàn luật sư Việt Nam quan tâm nhiều về năng lực tổ chức và hoạt động của Liên hội luật sư Nhật Bản (JFBA) trong mối quan hệ với chính quyền và cơ quan tư pháp. Sở dĩ vấn đề này được đặt ra, bởi ở Nhật Bản, JFBA hoàn toàn độc lập trong tổ chức và hoạt động, không bị chi phối bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào. Trong khi đó, nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư ở Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Nhà nước thống nhất quản lý về luật sư và hành nghề luật sư theo quy định của Luật luật sư.

Luật sư Toyama - Chủ nhiệm Uỷ ban Hợp tác quốc tế JFBA đã nhiệt tình giới thiệu về tổ chức và hoạt động của JFBA - tổ chức được thành lập từ năm 1949, cùng hệ thống 52 Hội luật sư địa phương, với 917 tổ chức hành nghề luật sư. Theo cơ cấu tổ chức, JFBA ngoài ông Chủ tịch, có 13 Phó Chủ tịch, do Hội viên bầu lên, với nhiệm kỳ 2 năm, một tháng họp ba lần. Các thành viên Phó Chủ tịch được phân bổ là đại diện cho 8 vùng lãnh thổ lớn của Nhật Bản. JFBA có các Uỷ ban cố định và đặc biệt được thành lập theo quy chế và Nghị quyết của Ban Thường vụ, hoạt động với tư cách là cơ quan tự quản, tham mưu cho Lãnh đạo JFBA. Các Uỷ ban này góp phần giúp JFBA thực hiện sứ mệnh bảo đảm quyền cơ bản của con người, thực hiện công bằng xã hội, trong đó phải kể đến việc đề xuất lập pháp, góp ý chính sách của Chính phủ về bảo đảm nhân quyền theo Hiến pháp và điều ước quốc tế, góp phần sửa đổi pháp luật. JFBA đã góp phần sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự về mở rộng chế độ ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra, mở rộng chế độ luật sư chỉ định; tiếp nhận yêu cầu từ những người bị hại trong các vụ án vi phạm nhân quyền; giúp cho các trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo… bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.
 

Về mặt tài chính, nhằm thực hiện tốt chế độ tự quản, JFBA không nhận bất cứ khoản tài trợ nào từ nhà nước, mà chủ yếu từ phí hội viên JFBA với mức hội phí phổ thông là 14.000 yên/tháng (từ tháng 4/2016 giảm 10% còn 12.600 yên, tương đương hơn 110 USD), hội phí đặc biệt 4.200 yên/ tháng để tạo Quỹ tài chính trẻ vị thành niên, vụ án hình sự, 1.300 yên để hỗ trợ pháp lý, 600 yên để giải quyết tình trạng giảm dân số, phân bố không đều luật sư…). Các hội viên còn phải đóng phí hội viên tại Đoàn Luật sư địa phương với mức 20.000- 40.000 yên/tháng. Tổng ngân sách phổ thông bảo đảm từ các nguồn thu nói trên trong năm 2015 lên tới 9,01 tỷ yên. Các thành viên trong Đoàn đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tổ chức và cơ chế điều hành, hoạt động của Lãnh đạo JFBA và các thành viên trong Ban Thường vụ, các Hội trưởng địa phương, kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc điều phối hoạt động sao cho hiệu quả.

So sánh tổ chức và hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nhiều nét tương đồng nhưng cũng có những nét đặc thù, khác biệt. Điểm tương đồng là Liên đoàn Luật sư Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, dân chủ, bình đẳng, thiểu số phục tùng đa số theo quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Nguyên tắc này xuất phát từ lịch sử tiến trình phát triển của nền dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vai trò, vị trí quan trọng của luật sư ngày càng được khẳng định và nâng cao. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa là quyền cơ bản của con người, từ đó đề cao vai trò của luật sư trong việc góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân trong giai đoạn mới xây dựng, phát triển dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
 
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai thiết chế này chính là hoạt động nghề nghiệp luật sư ở Việt Nam chịu sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra là làm thế nào giải quyết bài toán “kết hợp” trong nguyên tắc quản lý luật sư và hành nghề luật sư ở Việt Nam một cách cân bằng, đó là kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Trong thực tế cũng có ý kiến lo ngại về năng lực tự quản của tổ chức xã hội- nghề nghiệp luật sư còn hạn chế và tăng cường năng lực tự quản có thể làm suy yếu vai trò quản lý của Nhà nước. Thực tiễn hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam hơn 7 năm qua đã khẳng định ý kiến lo ngại nói trên là không có căn cứ.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư và các luật sư Việt Nam, có chức năng đại diện, tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, Đoàn Luật sư thành viên. Đồng thời, Liên đoàn có trách nhiệm quan trọng xây dựng và duy trì các chuẩn mực đạo đức, quy tắc nghề nghiệp luật sư, bảo đảm tính độc lập và chất lượng dịch vụ pháp lý của nghề luật sư, thực hiện chế độ tự quản của luật sư theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trên cơ sở đề cao vai trò quản lý của Nhà nước và hoạt động theo khuôn khổ pháp luật do Nhà nước đặt ra, nâng cao năng lực tự quản trong hoạt động của tổ chức- xã hội nghề nghiệp luật sư mới có cơ hội thực hiện được chức năng và sứ mệnh cao quý của mình.
 
Theo: liendoanluatsu.org.vn
 

Tin tức khác

Cuoi trang trong