Luật sư tập sự: Muốn có danh tiếng, phải dẫm "chông gai"

(Cập nhật: 8/22/2008 2:42:48 PM)

Hơn 2.000 luật sư đang tập sự là những cử nhân trẻ mới bỡ ngõ vào nghề. Họ loay hoay và gặp rất nhiều trở ngại trên con đường đến với cái nghề được coi là danh tiếng này.

Nhọc nhằn tập sự không lương

 

Với quyết tâm theo đuổi nghề luật sư, tốt nghiệp khoa Luật của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội vào loại khá, Ngọc Tuyến (quê ở Hải Phòng) hăm hở ghi tên học tiếp khóa đào tạo nghề luật sư 6 tháng tại Học viện Tư pháp (một trong những điều kiện bắt buộc). Chi phí cho khóa học này cũng tốn đến 6 triệu đồng. Học xong, chờ thêm hai tháng nữa, Tuyến có chứng chỉ.

 

Sau đó, Tuyến ra nhập đoàn Luật sư Hải Phòng với số phí phải nộp là 5 triệu đồng. Số tiền này Đoàn Luật sư thu 2 triệu, còn 3 triệu được trả cho Văn phòng Luật sư (VPLS) VM - nơi sẽ nhận Tuyến vào học việc trong thời gian 18 tháng.

 

Một năm rưỡi đi làm không lương, qua một đợt sát hạch của Bộ Tư pháp, rồi phải làm đơn xin Đoàn Luật sư Hải phòng cấp thẻ hành nghề, Tuyến mới trở thành luật sư.

 

Không may mắn đi được đến đích như Tuyến, Thanh Hiền, cử nhân K29, ĐH Luật Hà Nội, đành ngậm ngùi gác lại giấc mơ trở thành luật sư của mình vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

 

“Em học việc không lương ở một VPLS chuyên về bản quyền được 6 tháng. Để có tiền trang trải sinh hoạt, em phải đi làm gia sư buổi tối. Bố mẹ em lao đao lắm mới nuôi em học hết đại học, lại còn đứa em đang học lớp 12 nữa. Nếu phải học và làm việc không lương 3 năm nữa để trở thành luật sư thì không thực tế đối với em”, dù rất tiếc, nhưng Hiền đành bỏ dở việc tập sự và thi vào làm việc ở phòng pháp chế của một ngân hàng.

 

Tương tự như Hiền, Thu Trang (quê ở Thái Bình), cử nhân luật ĐH Quốc gia Hà Nội đang tập sự không lương tại Công ty luật D.C (Hà Nội), cho biết: "Em đã tập sự được hơn một năm rồi nên bỏ thì tiếc nên phải cố lấy ngắn nuôi dài bằng cách vừa học việc vừa nhận làm gia sư và đánh máy văn bản cho một công ty dịch thuật. Năng lực của mình được đánh giá là khá, cũng làm lụng từ sáng tới tối khuya trong khi tiền thì chẳng thấy đâu nên nhiều khi cũng tủi thân lắm chứ”, Trang tâm sự.

 

Không kham nổi chi phí sinh hoạt cho hai mẹ con trong khi lương của chồng cũng thấp, Ngọc Liên đành ôm con về quê ở Phủ Lý- Hà Nam để tập sự không lương cho một VPLS dù biết rằng ở đó ít việc nên cơ hội học hỏi của mình sẽ không cao.

Hiện nay cả nước có hơn 4.000 luật sư và 2.000 luật sư tập sự. Mặc dù trong 7 năm qua, số lượng luật sư ở nước ta tăng 200% nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Mới chỉ có 20% án hình sự có luật sư tham gia.

 

Bình quân ở nước ta cứ 21.000 dân mới có một luật sư (trong khi ở Mỹ là 250 dân/1 luật sư, Nhật 1500dân/luật sư và Singapore là 1.000 dân/1 luật sư)

Hầu hết các VPLS hay công ty luật hiện nay không trả lương cho người xin vào học việc. Thậm chí ở một số VPLS… người học việc còn phải trả một khoản phí cho VPLS nơi mình học việc trong thời gian học 18 tháng.

 

Tập sự 2 năm hay 10 năm cũng không khá được!

 

Lê Nga, một luật sư trẻ đầy triển vọng đang làm việc tại một hãng luật uy tín ở Hà Nội nhớ lại “quá khứ” của mình một cách chua chát: Đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao tôi có thể trải qua được chừng ấy năm khó khăn đến thế. Ra trường, loay hoay tập sự ở Hà Nội một năm, rồi về Thanh Hóa tập sự tiếp hai năm nữa tôi mới rút ra một điều rằng, tập sự 2 năm hay 10 năm cũng chỉ thế thôi, không khá hơn được. Bởi luật sư hướng dẫn còn phải lo việc của người ta, không có thời gian để cầm tay chỉ việc cho mình.

 

"Không lương, không có việc để mà thực hành, mình đi làm mà giống như đi “ăn xin” thì làm sao tiến bộ được", Nga lý giải.

 

Cùng hoàn cảnh, Lê Ngọc Dương (quê ở Ninh Bình), quyết định rời bỏ nơi tập sự để đi tìm một công việc khác. “Em rất ngưỡng mộ và từng quyết tâm trở thành luật sư nhưng mọi việc không hề đơn giản. Ở đây, em giống như một sinh viên thực tập hơn là học việc đề hành nghề. Cảm giác “bị bỏ rơi” khiến em cảm thấy mệt mỏi”, Dương nói.

 

Thu Hòa, một luật sư trẻ của Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ thêm: “Khi tôi tập sự tại một công ty luật, tôi chỉ được sai vặt những chuyện hành chính như dọn dẹp phòng làm việc, đánh máy văn bản, sắp xếp hồ sơ chứ ít khi được tham gia giải quyết các vụ việc cụ thể”.

 

Lý giải về tình trạng trên, luật sư Nguyễn Huy Được, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, cũng có trường hợp người tập sự rất chăm chỉ và cầu thị, nhưng luật sư hướng dẫn bận “trăm công ngàn việc, đầu tắt mặt tối” thì cũng không thể có thời gian để hướng dẫn tập sự tốt được.

  

Nên bắt đầu từ đâu?

 

Trải qua những ngày “nằm gai nếm mật”, luật sư Lê Nga đưa ra lời khuyên “xương máu”: “Khôn ngoan hơn cả là đừng nộp đơn xin tập sự ở một VPLS nào cả, hãy nộp đơn xin việc ở những công ty luật có trả lương. Lương thấp hay cao không quan trọng bằng việc khi người ta phải trả tiền cho mình thì người ta mới biết xót và tìm cách để giao việc cho mình làm. Chỉ có thông qua làm việc thì mới học nghề được”.

 

Luật sư Thu Hòa thì đưa ra một “chiêu” rất đáng học hỏi:  “Phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Thông thường, những người mới vào nghề phù hợp với việc chạy thủ tục như thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục ký kết hợp đồng… Quá trình làm thủ tục sẽ khiến cho luật sư tìm hiểu kỹ luật nội dung và trở nên thạo việc”.

 

Đối với luật sư trẻ muốn theo lĩnh vực tranh tụng thì ban đầu có thể chọn những vụ án có luật sư chỉ định, trợ giúp pháp lý để tham gia sẽ vừa sức và đỡ “choáng” hơn.

 

Còn theo kinh nghiệm của luật sư Quốc Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội), thì người bắt đầu học nghề luật sư nên chọn những VPLS có quy mô vừa phải để tập sự vì ở đó có rất nhiều những việc lặt vặt mà những VPLS danh tiếng “không thèm làm”. Được giao nhiều việc chính là cách tốt nhất để rèn nghề này.

 

Điều quan trọng hơn cả, là người muốn trở thành luật sư, ngoài quyết tâm và nghị lực, phải là người nhanh nhạy, kiên trì và ham học hỏi để tự nâng cao trình độ của mình.

 

Theo quy định của Luật Luật sư, để trở thành luật sư, một cử nhân luật phải học tiếp một khóa học đào tạo nghề kéo dài 6 tháng tại Khoa đào tạo Luật sư- Học viện Tư pháp.

 

Sau đó, người này phải xin ra nhập đoàn luật sư và ghi tên tập sự (học việc) tại một văn phòng hay công ty luật trong thời gian 18 tháng.

 

Hết thời gian tập sự, người này phải trải qua một kỳ thi sát hạch của Bộ Tư pháp để lấy chứng chỉ hành nghề luật sư.

 

Khi có chứng chỉ hành nghề thì mang tới đoàn luật sư mà mình đã tham gia để được cấp thẻ luật sư. Khi được cấp thẻ rồi thì luật sư mới được công nhận là luật sư và có thể hành nghề độc lập.

 

Ngọc Linh - VTC

Tin tức khác

Cuoi trang trong