TẠI SAO LUẬT SƯ “ NGẠI ” MẢNG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

(Cập nhật: 6/26/2010 12:06:18 PM)

Thi hành án dân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và qúa trình giải quyết vụ án nói riêng. Bản án, quyết định của Toà án chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế.

Hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

Chính vì vậy, Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi nhân dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Thế nhưng trong thực tế thi hành pháp luật không hề đơn giản, các cấp các ngành đã nỗ lực tìm giải pháp chỉ đạo điều hành( từ việc chuyển đổi mô hình hoạt động, hoàn thiện pháp luật về THA, thí điểm mô hình thừa phát lại ở thành phố Hồ Chí Minh, từng bước xã hội hoá công tác THA dân sự, tăng cường biên chế, đổi mới tổ chức, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị làm việc, giao cho THA cấp huyện tự chủ về kinh phí; tên gọi THA cáp huyện, cấp tỉnh cũng đổi liên tục – năm 1993 khi tách THA từ TAND sang cơ quan chính phủ cơ quan THA cấp huyện có tên  là “ Đội Thi hành án dân sự”, năm 2004 pháp lệng THA sửa đổi cơ quan THA có tên mới là “ Thi hành án dân sự ”; từ 01/01/2009 Luật thi hành án có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã có nghị định hướng dẫn và cụ thể hoá luật THA, tên gọi của THA cấp huyện là “ Chi cục Thi hành án”  đã tạo nên diện mạo mới cho cơ quan THA .)

Trăn chở mãi mà công tác THA vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt, nhiều quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại.

Theo một thống kê tại Hội nghị chuyên đề triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2010 khu vực phía Bắc do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, hiện nay cả nước còn 270.925 án tồn đọng. Trong đó, 188.000 việc chưa có điều kiện thi hành án; hơn 89.000 việc người phải thi hành án ốm nặng, chưa xác định được nơi cư trú, người phải thi hành án không có tài sản; 98.754  án tồn đọng vì có kháng nghị; tuyên không rõ ràng, không phù hợp với thực tế, tài sản kê biên chưa xử lý được hoặc có khiếu nại…

Thực trạng này đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện về thể chế thi hành án; đổi mới quy trình, thủ tục thi hành án dân sự; nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự trong bộ máy nhà nước để đáp ứng đòi hỏi của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó các quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của con người phải được pháp luật bảo đảm và bảo vệ toàn vẹn; mọi vi phạm pháp luật xâm phạm quyền tự do, lợi ích chính đáng của công dân đều bị nghiêm trị và bảo đảm thực thi các lợi ích đó trên thực tế thông qua hoạt động thi hành án là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng.

Nguyên nhân án tồn đọng ngày càng lớn dồn từ năm này qua năm khác là do cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những bất cập, chưa phù hợp thực tế; một số cán bộ, chấp hành viên các cơ quan THA chưa thật tâm huyết với công việc, cán bộ quản lý công tác THA còn nhiều lúng túng, không ít  vi phạm pháp luật  trong THA  đã sảy ra, phần nào  giảm lòng tin của nhân dân, làm cho các cơ quan hữu quan “ nản lòng” trong quá trình phối hợp. Việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án và công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quan tâm thực hiện đúng mức nên có những vụ việc đơn giản vẫn phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.( Bộ Tư pháp tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo chủ yếu là lĩnh vực THA dân sự; việc giải quyết khiếu nại cũng rất khó khăn phức tạp, tốn rất nhiều thời gian, công sức ..).

Nhưng một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa mà ít ai để ý đó là việc tham gia chưa tích cực, chưa hiệu  quả của các tổ chức xã hội và người dân mà luật sư còn “ ngại ” THA dân sự là một thực tế !

Trở lại vấn đề, trong sự phát triển của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, nhiều tranh chấp phát sinh, rất phức tạp đòi hỏi đội ngũ các chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật; đội ngũ luật sư phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng; luật sư tham gia rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hình sự, dân sự, kinh tế, kinh doanh thương mại .., nhưng giai đoạn THA là giai đoạn cuối của quá trình tố tụng, giai đoạn  mà nhiều luật sư đã bỏ bao công sức ra  trước đó để bảo vệ  cho thân chủ vẫn “ bỏ” giữa chừng! Tại sao vậy ?

Trước hết việc thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật có nhiều khó khăn ( những người làm công tác THA nói THA là nghề khô, khó, khổ; một số người nói nghề thi hành án là “ nghề đi đòi nợ thuê ”...). Nên nhiều người ngay trong giảng đường đại học cũng ít quan tâm đến pháp luật về THA, những người trưởng thành trong cơ quan THA cũng bị “cùn” kiến thức vì công việc chủ yếu là vận dụng pháp luật và kỹ năng thực thi chứ ít liên quan đến khoa học pháp lý, khi giải nghệ cũng không còn duyên với nghề nữa; theo luật luật sư cho dù chấp hành viên là một chức danh tư pháp do Bộ trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm với điều kiện tiêu chuẩn khá cao nhưng không được miễn đào tạo và miễn tập sự nếu muốn trở thành luật sư, vậy nên trong thực tế chấp hành viên ít trở thành luật sư – Nguồn nhân lực, đầu vào luật sư có am hiểu THA không nhiều. Trong chương trình giảng dạy lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư ở Học viên tư pháp cũng không có nhiều thời  gian đào tạo về THA, giảng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực THA dân sự trực tiếp giảng dạy truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cho luật sư về THA cũng chưa nhiều.

Thứ 2 là THA dân sự trực tiếp đụng chạm đến quyền về tài sản của công dân, pháp nhân, đến tính hiệu lực của pháp luật nên đương sự tìm mọi cách để chốn tránh nghĩa vụ, tẩu tán tài sản, trì hoãn việc THA, lợi dụng quyền khiếu nai để làm phức tạp tình hình, gây khó khăn cho chấp hành viên, cơ quan thi hành án trong việc tổ chức thi hành án. Quá trình THA cần phối hợp với nhiều cơ quan trong thời gian dài nhưng thực tế việc phối hợp với các cơ quan hữu quan rất khó khăn; tâm lý ngại phối hợp và những qui định của pháp luật chưa “bắt” họ phải tham gia; nên các cơ quan hữu quan có nhiều lý do không tham gia  hoặc chậm trễ  trong việc phối hợp nên rất khó tổ chức một vụ cưỡng chế THA thành công. Vì vậy nhiều bản án quyết định có điều kiện thi hành vẫn án binh bất động, nhiều đối tượng phải thi hành án nhởn nhơ với pháp luật, tính nghiêm minh của pháp luật bị mất đi. Luật sư khó theo vụ việc kiểu không biết đến bao giờ mới có kết quả.

Thứ 3 là pháp luật về THA tuy đã khá hoàn thiện nhưng còn những bất cập nhất định, luật không thể cụ thể hoá được hết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thi hành án. Những căn cứ hoãn, đình chỉ, tạm đình chỉ, khiếu nại tố cáo, thẩm quyền kháng nghị, căn cứ kháng nghị, thời gian kháng nghị ...không rõ; nên còn nhiều chỗ cho chấp hành viên lách luật, khó dễ với đương sự. Do tính đặc thù của THA là phải thi hành theo đúng quyết định, bản án của TAND; phải thi hành xong mới kết thúc việc THA, nhưng điều kiện thi hành lại là một chuyện khác nên pháp luật không qui định được thời gian bao lâu là thi hành xong, vậy nên THA dân sự vốn đã khó lại càng khó thêm , người làm THA có “quyền” trả lời đang đôn đốc, đang thi hành, đang xác minh.... thực tế có bản án có điều kiện thi hành nhưng kéo dài, có bản án 20,30 năm mới thi hành xong .  Những vấn đề nêu trên phần nào lý giải  Luật sư “ngại” THA dân sự.

Một khía cạnh nữa xin nêu, pháp lệnh THA năm 2004 và luật thi hành án năm 2008 có qui định người phải THA cũng có quyền làm đơn yêu cầu THA, thời hiệu THA là 5 năm không phân biệt là cá nhân hay pháp nhân như trước ( điều 30 luât THA năm 2008), như vậy thời gian cho các bên tự giải quyết, tự thoả thuận, không cần làm đơn yêu cầu THA để không phải chịu phí THA 3%, không phải “nhờ “ THA; nếu làm được sẽ giảm chi phí và thời gian. Xin thưa  khi bản án có hiệu lực pháp luật người được THA có quyền yêu cầu người phải THA thi hành, nếu người phải THA không thi hành có quyền làm đơn yêu cơ quan THA thi hành bản án. Nhưng trong thực tế THA có nhiều vấn đề phức tạp về điều kiện THA, pháp luật về THA không có qui định bao lâu phải THA xong một bản án nên việc THA thường kéo dài và phụ thuộc nhiều vào trình độ năng lực, tinh thần trách nhiệm của Chấp  hành viên, của Thủ trưởng cơ quan THA; thái độ, ý thức chấp hành pháp luật của đương sự ...Đặc biệt khi vụ việc không thương lượng, thuyết phục hoà giải được phải tổ chức cưỡng chế thì thật là khó khăn mệt mỏi. Do phải huy động lực lượng đông người, nhiều cơ quan tham gia nên phải họp nhiều lần, phải rà soát, xác minh đối tượng, khả năng chống đối, phương án bảo vệ.. nên cơ quan THA phải báo cáo nhiều cấp nhiều nghành để có có được sự đồng thuận, hoãn đi hoãn lại nhiều lần; chưa kể có sự can thiệp từ các phía, sự thờ ơ né tránh của các cơ quan ...Việc THA những vụ gai góc quả thật khó khăn, kết quả không ai biết trước được nên luật sư trợ giúp cho khách hàng phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan THA. Những vấn đề nêu trên phần nào lý giải  Luật sư “ngại” THA dân sự

 

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật, quan điểm xuyên suốt của pháp luật là kế thừa và phát huy tính nhân đạo nhân văn, khuyến khích sự thoả thuận hoà giải giữa các bên đương sự. Pháp luật về THA cũng qui định  thời gian tự nguyện THA, cưỡng chế THA, thoả thuận trong THA tại điều 6 và điều 8 luật THA năm 2008.

Rõ ràng luật sư có “sân” trong lĩnh vực thi hành án dân sự chứ !Thực tế  công tác THA cũng không phải là “không hay”. Làm nhiều năm ở cơ quan THA mới biết được cái hay của công việc. Nhiều vụ việc hoà giải rất thành công, đem lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, góp phần giữ gìn sự bình yên của làng xóm quê hương. đỡ tốn  kém công sức tiền của, thời gian; tăng cường tính pháp chế XHCN, tính nhân đạo của pháp luật. Và như thế luật sư đại diện cho đương sự tham gia hoà giải thành công cũng rất trân trọng và nên làm.

Công việc hoà giải, hỗ trợ pháp lý cho đương sự trong THA dân sự là không hề ít việc. Do không hiểu biết pháp luật mà đương sự tẩu tán tài sản, chống đối pháp luật, khiếu nại vượt cấp, kéo dài thậm chí còn  bị xử lý về tội không chấp hành án - Họ rất cần “thầy” pháp luật tư vấn pháp luật kịp thời !

Một vấn đề cần đề cập đó là THA tuy phức tạp nhưng THA là vấn đề cụ thể rõ ràng, số tiền, tài sản phải thu, phải trả toà án đã quyết định và mọi người phải tuân theo nên việc tính phí và kết quả công việc được xác định  rõ ràng; thù lao của luật sư cũng bảo đảm, hiệu quả  và ít rủi ro.

Trong quá trình thực thi pháp luật  những người làm công tác THA có trình độ có tâm huyết vẫn miệt mài vận động giáo dục thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện, cưỡng chế chỉ là đường cùng - Vậy tại sao luật sư lại không tiếp cận ?

Sẽ là rất tuyệt vời khi luật sư giúp khách hàng của mình không chỉ trên giấy tờ, không chỉ là các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử mà cả giai đoạn THA dân sự ; khách hàng của chúng ta  được cầm tiền, tài sản, được nhận lại nhà cửa, máy móc thiết bị nhà xưởng bị xâm phạm chiếm dụng bao năm ...Hẳn khách hàng ai cũng muốn nhận được kết quả trên thực tế !

Là người nhiều năm làm thủ trưởng cơ quan THA dân sự, làm trợ giúp pháp lý, làm kiển sát viên nay làm luật sư tôi rất muốn chia sẻ, hỗ trợ, phối hợp với các đồng nghiệp trong giai đoan THA dân sự.

 

Luật sư Trần Xuân Tiền

VPLS Nguyên Huy Thiệp và cộng sự;

  điện thoại  0914411880; E-mail tranxuantien1964@gmail.com

 

Tin tức khác

Cuoi trang trong