Xóm "núi lửa" nơm nớp lo lở đất

(Cập nhật: 7/2/2008 2:30:16 PM)

Mới đầu mùa mưa mà nhà ở của nhiều người dân ở xóm Ong 1, xã Nam Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã có hiện tượng rạn nứt từ móng đến tường. Các nhà khoa học giải thích nguyên nhân sạt lở ở khu đồi Ong có thể là do đất phong hoá núi lửa phủ dày...

Dù chính quyền địa phương đã có phương án đề xuất với cấp trên quan tâm giải quyết sự việc này để sớm ổn định cuộc sống cho người dân, nhưng đến nay, phương án vẫn chỉ là phương án...

Việc cũ mà không cũ

Dù biến động ấy đã xảy ra hơn nửa năm qua, nhưng người dân xóm Ong 1 vẫn không thể nào quên sự việc của gia đình anh Bùi Văn Ninh vào cái đêm hãi hùng. Khi cả xóm Ong 1 đang chìm trong giấc ngủ thì cơn bão số 5 kéo theo trận mưa rất lớn khiến cho đất đồi Ong rung chuyển. Dưới nền ngôi nhà của anh Ninh, những tiếng động lạ càng lúc càng rõ ràng, kéo theo sự rung chuyển dưới lòng đất.

Bừng tỉnh giấc ngủ, anh Ninh được tận mắt chứng kiến một cảnh tượng đáng sợ. Căn nhà xây kiên cố vợ chồng anh vừa mới xây dựng còn đậm mùi vôi vữa đã bị chia làm đôi, một nửa ngôi nhà sụt hẳn xuống tới mấy chục phân.

Cách nhà anh Ninh không xa, ngôi nhà cấp 4 của chị Bùi Thị Hà cũng trong tình trạng báo động. Cơn bão số 5 hôm ấy đã khiến ngôi nhà của chị Hà bị rạn nứt rồi sụt xuống khá sâu so với thiết kế ban đầu. Nhưng do không có điều kiện, nên gia đình chị vẫn phải chấp nhận sống trong ngôi nhà nguy hiểm ấy.

Chị Hà bảo, một ngày còn sống ở đây là một ngày gia đình chị phải nơm nớp. Cũng biết là nguy hiểm nhưng bây giờ chuyển đi thì biết ở đâu, bởi hoàn cảnh kinh tế gia đình nhà chị rất khó khăn. Vợ chồng chị đều không nghề nghiệp, hằng ngày đi làm thuê chỉ kiếm đủ tiền nuôi mấy đứa con nhỏ…

"Sự kiện" này đã khiến cho những người dân đang sinh sống ở xóm Ong 1 cùng rơi vào trạng vô cùng lo lắng. Những người dân ở nơi đây vẫn thường nhắc nhở nhau rằng, dù đêm hay ngày, hễ nghe mưa gió lớn thì mọi người phải chủ động tránh xa các khu vực nguy hiểm để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Biết chúng tôi là nhà báo đến địa phương tìm hiểu sự việc này, phần lớn bà con khi tiếp xúc với chúng tôi đều có chung mong muốn, nếu tỉnh không thể hỗ trợ được 100% kinh phí di dời thì có thể căn cứ theo hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của từng hộ để có mức hỗ trợ thích hợp. Ngoài ra, bà con có thể đi vay mượn để làm nhà ở khu vực khác sinh sống.

Nguyện vọng của bà con là như vậy, nhưng chính quyền xã thì vẫn chỉ có một câu trả lời, quỹ đất có rồi nhưng phải chờ quyết định di dời từ trên mới có thể triển khai.

Xóm Ong 1 có 46 hộ với 264 nhân khẩu, 100% bà con trong xóm đều là người dân tộc Mường. Xóm Ong 1 thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Kinh tế nơi đây chủ yếu dựa vào thu nhập từ cây mía và cây luồng. Trong những năm qua, mưa bão đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của bà con. Hiện nay, nhiều hộ trong xóm đã làm đơn gửi lên xã để mong được di dời đến nơi ở mới.

Hiện tại, xã đang quy hoạch 5% diện tích đất công ích của xã và thu hồi đất ruộng trong Chương trình 64 của bà con xóm Ong 2 để có kế hoạch di dời toàn bộ 46 hộ xóm Ong 1 sang vùng đất mới này. Thế nhưng theo tính toán sơ bộ của UBND xã, để triển khai di dời dân đến nơi ở mới, sẽ phải mất đến gần 2 tỷ đồng.

Một thực tế nảy sinh, kinh phí của tỉnh hiện rất khó khăn. Đó là chưa tính đến các khoản chi phí đầu tư thêm đường giao thông, điện, trường mầm non…

Được biết, chính quyền xã đã đề xuất phương án giải quyết để trình lên huyện. Nhưng cách giải quyết như thế nào thì còn phải chờ các ngành chức năng. Vậy nên cho đến nay, các phương án di dời của xã vẫn chỉ là phương án.

Người dân đang mong chờ quyết định di dời

Chủ tịch UBND xã Nam Phong Đinh Duy Thích cho biết, nỗi lo lắng của những người dân ở xóm Ong 1 cũng chính là nỗi lo của chính quyền địa phương.

Sau khi sự việc xảy ra, xã đã báo cáo với lãnh đạo huyện, và các ngành chức năng của huyện lập tức phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình về khảo sát thực tế để có thể tìm ra giải pháp giúp nhân dân có được cuộc sống ổn định. Nhưng cho đến giờ, phương án cụ thể mà tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cho xã mới chỉ là khi nào xảy ra mưa bão thì di dời dân.

Ông Thích nhận định rằng, nguyên nhân gây ra hiện tượng nứt đồi Ong có thể do lớp đất bên dưới quả đồi là đất đá vôi, mưa nhiều làm giãn lớp đất, đá nên mới xuất hiện trượt lở và nứt đất.

Còn ông Bùi Xuân Tỉnh, Bí thư xã Nam Phong, hiện đang sinh sống trực tiếp trong xóm Ong 1 cho biết thêm, xóm Ong 1 chưa xảy ra lũ quét bao giờ, nhưng hễ có mưa nhiều là lượng đất đá sụt lở có khi trượt cả quả đồi. Đất ở đây rất tơi và xốp.

Ông Tỉnh nhớ lại, mùa mưa cách đây mấy năm, chỉ sau một đêm mưa mà hai bụi bương rất to đã có từ lâu đời ở khu nhà ông đã không còn dấu vết gì nữa, cứ như thể là lòng đất đã nuốt chửng bụi bương đó.

Bà Cù Việt Hà, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình lý giải về nguyên nhân sạt lở ở khu đồi Ong có thể là do đất phong hoá núi lửa phủ dày nên làm gia tăng cường độ và tần suất xảy ra tai biến sụt trượt, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người dân.

Viện Địa chất cũng đã có cảnh báo với lãnh đạo tỉnh Hoà Bình rằng biện pháp an toàn nhất lúc này là di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trước thực trạng nguy hiểm của người dân khu vực xóm Ong 1, đề nghị các ngành chức năng của huyện Cao Phong và tỉnh Hòa Bình sớm có phương án giải quyết để người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống

Cong an nhan dan

Tin tức khác

Cuoi trang trong