Tư vấn doanh nghiệp thời hội nhập

(Cập nhật: 10/7/2008 4:06:06 PM)

Kinh nghiệm tư vấn

Phòng ngừa các rủi ro pháp lý
Nhiều ngưới chỉ quan tâm đến điều trị  hơn là phòng bệnh. Phòng bệnh bao giờ cũng là  biện pháp ít tốn kém nhất và hiệu quả nhất. Luật sư đảm nhận vai trò phòng ngừa bệnh cho doanh nghiệp. Có thể ví luật sư tư vấn như... cái thắng cho chiếc xe doanh nghiệp. Xe có động cơ mạnh chạy rất nhanh, nhưng thắng không ăn thì  sẽ có ngày... xuống hố.
Để giúp doanh nghiệp phòng ngừa các rũi ro pháp lý, luật sư có thể  soạn thảo hợp đồng, chỉnh sửa văn bản, điều chỉnh phương án kinh doanh cho phù họp tập quán và thông lệ quốc tế. Giám đốc công ty khi đàm phán hợp đồng với đối tác thường chỉ chú trọng vào các điều khoản kinh doanh: giá cả, thanh toán, số lượng và quy cách... còn các điều khác như truờng hợp bất khả kháng, quyền và nghĩa vụ hai bên, vi phạm hợp đồng, luật áp dụng, phương thức giải quyết tranh chấp, điều kiện chấp dứt hợp đồng, v.v...thì lại dễ dàng cho qua. Nhưng  khi xảy ra tranh chấp thì chính các điều khoản này lại trở nên quyết định. Thông thường trong các vụ tranh chấp hợp đồng tại toà án các bên thuờng chỉ tranh chấp nhau vài câu, vài chữ, nhưng vài chữ đó có khi doanh nghiệp lại phải trả giá bằng cả tài sản của mình.
Dự báo chính sách và pháp luật
Luật sư với kinh nghiệm và kiến thức trong hoạt động chuyên ngành của mình có thể giúp doanh nghiệp phân tích và dự báo về sự thay đổi trong chính sách và luật pháp của Nhà nước, của thị truờng quốc tế , dự báo các rủi ro biến động sắp đến. Khi luật sư phân tích , đánh giá được các chiều hướng điều chỉnh của luật pháp , của thị truờng thì có thể đem đến cho doanh nghiệp những tư vấn đáng giá ví dụ:  một số mặt hàng có   khả năng sẽ bị nước nào đó kiện chống phá giá, về thay đổi luật, chính sách của một số  nước nhập khẩu, về hàng rào phi thuế quan... việc này sẽ đem đến cho doanh nghiệp xuất khẩu rất nhiều bổ ích.
Tư vấn áp dụng luật pháp
Luật sư không chỉ cung cấp cho doanh nghiệp các quy định luật pháp, mà là áp dụng luật pháp thế nào cho thích hợp nhất. Một vấn đề có thể được điều chỉnh bởi hàng chục quy định pháp luật liên quan, có khi  quy định này  lại chống chéo,  phủ định quy định kia. Để áp dụng một văn bản pháp luật cần phải đặt nó trong tổng thể các pháp luật liên quan, chứ không thể xem xét riêng rẽ. Hơn nữa, hiện nay ở nước ta vẫn còn một khoảng cách lớn giữa các văn bản và thực tiễn áp dụng. Nên để có thể cung cấp những tư vấn có giá trị cho doanh nghiệp, luật sư cần phải biết được quan điểm của các toà án, của các cơ quan chính quyền liên quan đối với vấn đề mình nêu ra như thế nào? Con đường đi trong thực tế của một quy định pháp luật từ Trung ương xuống tới địa phương khi áp dụng đã biến dạng ra sao?  Vì vậy, khác với nước ngoài có sự phân biệt giữa luật sư tranh tụng và  luật sư tư vấn. Ở Việt Nam luật sư nên làm cả hai trong chuyên ngành của mình. Muốn làm luật sư tư vấn giỏi thì phải là luật sư tranh tụng giỏi. Ngoài ra phải thực hiện các dịch vụ liên quan  thì mới biết các... quan chức nghĩ gì?  Áp dụng luật pháp ra sao?  Để có kinh nghiệm thục tế mà tư vấn cho hiệu quả.
Chuẩn bị cho các cuộc tranh chấp
Ngoài các mặt hàng tôm, cá ba sa xuất qua thị trường Mỹ đã bị áp thuế chống phá giá, hoặc đặt hạn ngạch nhập khẩu (quần áo), sắp tới vẫn còn nhiều mặt hàng khác cũng bị hoặc sẽ bị nước này hay nước khác khởi kiện chống phá giá hay đe doạ chống phá giá (mặt hàng vải- Ấn độ...). Các doanh nghiệp phải xử lý như thế nào? Ai là nguời có thể giúp doanh nghiệp trong lúc này?  Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Mỹ (AFI) và Công ty Luật Clyde & Co (Anh) gởi thư khiếu nại đến Chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam phải tôn trọng và thực hiện Hợp đồng xuất khẩu đã ký. Do giá hạt điều thô đã lên quá cao, nếu thực hiện hợp đồng thì các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu lỗ lớn (số lỗ của các các doanh nghiệp trong Hiệp hội xuất khẩu điều có thể lên đến trên 10 triệu USD). Tuy nhiên, nếu huỷ hợp đồng thì các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những vụ kiện lớn với nước ngoài.  Tiếp tục thực hiện hợp đồng để giữ chữ tín, hay đành phải “bội tín” để tồn tại?
Trong những trường hợp như vậy chính luật sư là người có thể giúp  doanh nghiệp tỉnh táo để quyết định. Luật sư sẽ phân tích và lượng định những tổn thất mà doanh nghiệp có thể phải chịu khi đơn phương chấm dứt hợp đồng ; cái giá mà họ sẽ phải trả khi bị  phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại; điểm mạnh điểm yếu của “phe ta”, vận dụng kẻ hở của hợp đồng để đề nghị  “nên hoà hay nên chiến!”.
Cùng ra khơi với doanh nghiệp

Đội ngũ Luật sư Việt Nam hiện nay đã khá đông, nhưng tìm được số luật sư có thể tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế, tranh tụng tại toà án hay trọng tài nuớc ngoài thì vẫn là "hàng hiếm". Không phải một sớm một chiều mà Việt Nam có đủ số luật sư đạt được trình độ ngoại ngữ khá, có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi trong những các lĩnh vực thương mại quốc tế, ngân hàng, bảo hiểm, hàng hải... “Nhưng muốn biết bơi thì truớc tiên hãy xuống nước!”.

Luật sư Đặng Ngọc Châu

Tin tức khác

Cuoi trang trong