Vấn đề tiếp tục đào tạo và huấn luyện luật sư trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế

(Cập nhật: 10/7/2008 4:11:29 PM)

Những hoạt động hội nhập kinh tế quan trọng như đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu

và quan hệ tài chính tiền tệ giữa các quốc gia đều cần đến sự tư vấn và nhiều loại dịch vụ pháp lý của các luật sư để phù hợp với qui định của luật pháp quốc tế và quốc nội, đồng thời vẫn phải bảo đảm quyền lợi của  các thành phần có quyền lợi liên quan.


Chất lượng của ý kiến tư vấn và các loại dịch vụ của luật sư tùy thuộc rất nhiều vào kiến thức và kỹ năng của các luật sư. Những kiến thức và kỹ năng đó đã được các trường đại học luật cung cấp cho họ lúc còn là  sinh viên, sau đó được củng cố bằng những bài học thực tiễn trong thời gian tập sự hoặc trong thời gian chuẩn bị thi gia nhập đoàn luật sư.


Trên lý thuyết cũng như trong thực tế ở  khắp mọi nơi, việc giáo dục và huấn luyện chính thức trước khi hành nghề (pre- service)  của luật sư ở tại tất cả  các nước đều luôn luôn bảo đảm giới thiệu cho xã hội những luật sư có đầy đủ kiến thức và kỹ năng pháp lý, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của  những  ai cần đến họ.


Tuy nhiên, trên nguyên tắc và trong thực tế, việc giáo dục và huấn luyện luật sư không thể chỉ giới hạn trong phương thức chính quy trước khi hành nghề, mà còn phải tiếp tục trong suốt quá trình hoạt động của người luật sư.


Thật vậy, vì môi trường pháp luật (gồm văn bản và các định chế pháp lý- chính trị) thường xuyên thay đổi, kiến thức và kỹ năng của luật sư phải được cập nhật để theo kịp với các thay đổi đó. Việc tiếp thu các kiến thức và kỹ năng pháp lý mới của  các luật sư được thực hiện bằng nhiều biện pháp như trở lại trường đại học để theo học cấp học cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ; tham dự các khóa bồi dưỡng ngắn ngày ; tham gia các hội thảo có chủ đề pháp luật v.v...


Phương thức bổ sung này được gọi  là việc tiếp tục đào tạo và huấn luyện về pháp lý cho luật sư. Đây là điều đương nhiên , và đã được thực hiện thường xuyên ở khắp mọi nơi, kể từ khi nghề luật sư trở thành một định chế pháp lý cần thiết trong những xã hội văn minh. Không  một luật sư nào có thể tự tin hành nghề. mà không phải luôn luôn tìm cách tiếp tục quá trình đào tạo một cách chính thức hoặc không chính thức...


Không những quan trọng và cần thiết trong môi trường pháp lý nội địa, điều này lại đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.


So với môi trường pháp lý nội địa , môi trường pháp lý của hoạt động kinh tế quốc tế đã và đang biến đối  một cách nhanh chóng về mặt định chế cũng như về văn bản. Cứ vài năm, người ta lại thấy những  tổ chức kinh tế, những hợp tác thương mại quốc tế khu vực và toàn cầu dược thành lập mới. Những tổ chức đó lại ban hành những qui định mới về thương mại, vê thuế quan, về qui cách của hàng hóa , hoặc  những  hạn chế hoặc cởi mở mới.


Với tư cách là người tư vấn pháp luật cho khách hàng trong hoạt động kinh tế, các luật sư không thể không biết những đinh chế mới, những qui định mới đó. Không những thế, các luật sư cũng phải hiểu biết những đặc điểm của môi trường kinh tế,văn hóa, xã hội và pháp lý của quốc gia mà khách hàng của họ có quan hệ kinh doanh. Không cập nhật những thông tin mới, người luật sư sẽ trở thành những người mù dẫn đường.


Nói một cách cụ thể,những vấn đề nào là những nội dung mà người luật sư cần tiếp tục trang bị cho mình để có thể làm tốt công việc của người luật sư trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế? 


Nội dung cần được tiêp tục đào tạo  trước tiên sẽ bao gồm  những văn bản  pháp luật mới của các tổ chức quốc tế toàn cầu như Liên hợp quốc hoặc Tổ chức Thương mại Quốc tế nhằm thiết lập  khung cảnh pháp lý của tiến trình hội nhập, những công ước quốc tế vừa được ký kết và dược các quốc gia ký kết  phê chuẩn, các phụ đính bổ sung các công ước đã ký kết,  những văn bản pháp luật  quốc tế  của các tổ chức  khu vực  như ASEAN, EC, NAFTA v .v, và những văn bản pháp luật song phương mà Thỏa ước Thương mại Việt Mỹ là một ví dụ.


Các luật sư cũng phải cập nhật kiến thức về những vấn đề thương mại quốc tế quan trọng hiện nay trên qui mô toàn cầu như các qui định mới về tự do hóa  hay hạn chế  thương mại, về  rào cản thuế quan, rào cản kỹ thuật, những biện pháp và chế tài liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.


Dĩ nhiên là các luật sư không thể không tự trang bị cho mình  những  kiến thức  cơ bản về những đặc điểm của môi trường kinh tế, văn hóa xã hội và pháp lý chính trị của quốc gia nơi vụ việc của họ có liên quan.


Nội dung sau cùng mà các luật sư phải luôn luôn tự trang bị là những kỹ năng hỗ trợ như Công nghệ thông tin (IT) và những ứng dụng thực tiễn của IT như: Thương mại điện tử, thanh toán quốc tế, thủ tục hành chánh văn phòng, hệ thống kiểm tra v.v...
Hội nhập kinh tế quốc tế cũng  đem đến cho các luật sư  những vụ việc trong đó các bên liên quan là công dân nước khác. Điều này đòi hỏi các luật sư của thời hội nhập phải sủ dụng thành thạo một ngoại ngữ, đặc biệt là Anh ngữ đối với những luật sư mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh. Trong vùng Đông Á, tiếng Hoa và tiếng Nhật... Cũng là ngoại ngữ cần thiết trong kinh doanh và luật sư sẽ thấy công việc của mình dễ dàng rất nhiều trong những vụ việc mà một bên là nhà kinh doanh người Hoa.


Kỹ năng giao tế và kỹ năng đàm phán trên cơ sở của sự am tường những giá trị văn hóa của đối tác cũng là những vũ khí rất chiến lược của luật sư. Dĩ nhiên là muốn có những  hiểu biết đó, các luật sư  phải học mỗi khi gặp đối tác mới.


Những nội dung trên đây chỉ có tính chất gợi ý. Chương trình tiếp tục đào tạo của người luật sư  thay đổi theo từng luật sư, tùy thuộc vào nền tảng kiến thức, kinh nghiệm và công việc cụ thể của mỗi người. Nhưng có lẽ cũng không  cách biệt quá xa những nội dung trên đây.


Các luật sư sẽ thực hiện việc tiếp tục đào tạo như thế nào? Đề tài của tham luận này là đào tạo (education) và huấn luyện (training). Đào tạo là cung cấp kiến thức,  trong lúc huấn luyện là hướng dẫn kỹ năng. Mỗi việc có những cách thức thực hiện  và phương pháp riêng. Đào tạo có thể thực hiện bằng cách  tự trang bị kiến thức cho mình thông qua  việc đọc sách, tham dự hội thảo, hội nghị  chuyên môn về pháp luật kinh tế quốc tế , hoặc  thông qua giáo dục chính thức trong các khóa học. Huấn luyện kỹ năng thì khác, vì cần có người hướng dẫn.  nên phải học tập trung.
Chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm còn non trẻ của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh trong  lĩnh vực này để quý vị tham khảo.


Trong hơn mười năm qua, song hành theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, các luật sư của  Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã  tích  cực thực hiện quá trình tiếp tục đào tạo và huấn luyện  để theo kịp những yêu cầu của thời đại mới.
Bên cạnh những nỗ lực cá nhân theo đặc điểm và hoàn cảnh mỗi người, họ đã tham gia nhiều khóa học dài và ngắn ngay do Bộ Tư pháp, Nhà Pháp luật Việt Pháp, Hội đồng Thương mại Việt- Mỹ, và  Đoàn Luật sư  tổ chức về các đề tài cần thiết đối với luật sư trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế. Trong ba năm gần đây (2005-2008), các luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã có cơ hội tham gia các khóa học về các chủ đề sau đây:
- Luật Thương Mại quốc tế.
- Hợp đồng thương mại quốc tế.
- Giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế.
- Trọng tài thương mại.
- Chống bán phá giá tại EU.
- Nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền tác giả, tranh chấp trong sở hữu trí tuệ.
Giảng viên  trong những lớp này là các giáo sư, luật gia nước ngoài, phần lớn là Mỹ, Pháp, và cả những luật sư châu Á đến từ Nhật bản, Malaysia, Brunei cho những đề tài có tính chất khu vực.


Một số luật sư của Đoàn đã theo học và lấy thêm  văn bằng Thạc sĩ Luật học  hoặc Thạc sĩ Quản trị kinh doanh chuyên ngành Thương mại quốc tế tại các trường đại học Việt nam, Hoa Kỳ và Pháp.


Để trau dồi kỹ năng Anh ngữ , nhất là Anh ngữ Pháp lý cho các luật sư, từ năm 2000 đến nay, với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Luật sư  Hoa kỳ Sesto Vecchi, Đoàn đã tổ chức và duy trì lớp Anh ngũ Pháp lý .


Bên cạnh các khóa học chính thức, tiến trình tiếp tục đào tạo và huấn luyện của các luật sư  của Đoàn TP Hồ Chí Minh còn được thực hiện bằng việc  tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế do các tổ chức luật sư quốc tế toàn cầu và khu vực như UIA (Union internationale des Avocats), IPBA (Inter Pacific Bar Association), LAWASIA (The Law Association for Asia and the Pacific) tổ chức.
Những hoạt động đó được xem là đúng đắn và có hiệu quả, vì  kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực pháp lý kinh doanh quốc tế của các luật sư TP Hồ Chí Minh đã gia tăng rõ rệt so với nhiều năm trước đây.

Tóm lại xét theo quan điểm hệ thống, dịch vụ của luật sư là đầu ra, và kiến thức, kỹ năng của luật sư là đầu vào.Nếu đầu vào không được tiếp tục  cập nhật thì chắc chắn đầu ra sẽ lạc hậu, không có giá trị sử dụng. Dịch vụ luật sư mà lạc hậu so với thời đại  thì là thảm họa, không những đối với khách hàng của luật sư mà cả đối với luật sư nữa.

Luật sư Trần Anh Tuấn

Tin tức khác

Cuoi trang trong