Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Cần sự có mặt của Bộ Tư pháp?

(Cập nhật: 10/5/2008 8:51:54 AM)

Việc nên hay không nên có mặt đại diện Bộ Tư pháp trong ban lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một tổ chức xã hội nghề nghiệp, đã gây ra rất nhiều ý kiến khác nhau trong hội nghị lấy ý kiến các đoàn luật sư phía Bắc đóng góp vào Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam diễn ra hôm 12-8 tại Hà Nội.

 

Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, tiến sĩ Phạm Hồng Hải cho rằng: Sự “lo lắng” của một số đại biểu không phải không chính đáng. Tổ chức luật sư toàn quốc là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các luật sư, không phải là công chức. Vì vậy, có sự hiện diện của công chức trong thành phần lãnh đạo của tổ chức này cũng là vấn đề cần bàn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường: Cả nước hiện có khoảng 1.500 văn phòng và công ty luật với hơn 5.000 luật sư, tuy nhiên con số này chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân, đồng thời hệ thống các đoàn luật sư trên toàn quốc vẫn còn nhiều bất cập chưa thống nhất trong nhiệm vụ và hành động. Chính vì vậy việc tổ chức Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất, dự kiến vào ngày 10-10-2008 là hết sức cần thiết, tiến tới việc thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc cho biết, Dự thảo Điều lệ liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam được xây dựng trên những quy định của Luật luật sư, điều lệ mẫu của các đoàn luật sư và các văn bản pháp lý có liên quan. Theo đó, dự thảo gồm 7 chương với 51 điều, bao gồm các nhóm vấn đề qui định về tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của LĐLS Việt Nam; Luật sư với tư cách là thành viên của LĐLS Việt Nam; Cơ cấu, tổ chức của LĐLS Việt Nam; Tài chính; khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quan hệ giữa LĐLS với các cơ quan nhà nước, với UBTƯ MTTQ Việt Nam, với tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và xã hội - nghề nghiệp.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo, luật sư Hoàng Huy Được (Đoàn luật sự Hà Nội) cho rằng cần xác định rõ hơn vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của LĐLS Việt Nam đối với các luật sư thành viên cũng như các đoàn luật sư. Mối quan hệ ấy phải dựa trên nguyên tắc tăng cường, phát huy tính tự quản của các đoàn luật sư, đồng thời phải luôn coi luật sư là thành viên đương nhiên của LĐLS Việt Nam. Đồng tình với ý kiến này, luật sư Đinh Văn Thế (Đoàn Luật sư Phú Thọ) khẳng định, việc tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa LĐLS Việt Nam và các đoàn luật sư sẽ khiến cho hệ thống từ trên xuống dưới thống nhất, tạo ra “điểm chung” trong quá trình điều hành quản lý và như vậy các nhà quản lý sẽ dễ kiểm soát hoạt động khi LĐLS Việt Nam chính thức ra đời.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đại biểu nhắc lại đề nghị trước đây của luật sư Nguyễn Đăng Trừng (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) phát biểu trong hội nghị thành lập Hội đồng lâm thời. Theo đó, việc thành lập tổ chức luật sư toàn quốc, cần kế thừa những quy định của Pháp lệnh Tổ chức luật sư 1987, nghĩa là các Đoàn Luật sư do Chủ tịch UBND các tỉnh ra quyết định thành lập thì việc thành lập tổ chức luật sư toàn quốc sẽ phải do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định. Đặc biệt, đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới luật sư vì vậy các thành viên trong Hội đồng lâm thời, và cả tổ chức luật sư toàn quốc sau này chỉ có thể là các luật sư. Do vậy cần phải xem xét nên chăng có sự có mặt của đại diện Bộ Tư pháp khi thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp này hay không.

Đã có những tranh luận xung quanh vấn đề “sự có mặt của đại diện Bộ Tư pháp”, các luật sư Phạm Văn Kha (Đoàn luật sư Ninh Bình), Nguyễn Ngọc Điện (Đoàn luật sư Thái Bình)... cho rằng việc Bộ Tư pháp tham gia vào tổ chức luật sư toàn quốc là phù hợp. Hiện nay, các luật sư trong cả nước chưa đủ tài lực để thành lập tổ chức cho riêng mình. Mọi công việc chuẩn bị, từ khảo sát thực tế, xây dựng đề án, dự thảo... đều do Bộ Tư pháp thực hiện. Một phần, đây là công việc nằm trong nhiệm vụ quản lý luật sư của Bộ Tư pháp nhưng quan trọng hơn Bộ Tư pháp là đầu mối gắn kết các đoàn luật sư trong cả nước. Theo luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn luật sư Hà Nội), sự “lo lắng” của một số đại biểu không phải không chính đáng. “Tổ chức luật sư toàn quốc là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các luật sư, không phải là công chức. Vì vậy, có sự hiện diện của công chức trong thành phần lãnh đạo của tổ chức này cũng là vấn đề cần bàn. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại khi tổ chức luật sư toàn quốc còn chưa ra đời, việc xúc tiến thành lập tổ chức này gặp không ít khó khăn, hàng núi công việc còn ngổn ngang đang cần người chèo lái cũng như công sức và trí tuệ của các luật sư và cả Bộ Tư pháp thì việc đưa đại diện của Bộ Tư pháp vào liên đoàn là hoàn toàn hợp lý”.

Một băn khoăn lớn nhất của các đại biểu là các đoàn luật sư có những quyền hạn, trách nhiệm và điều lệ riêng vậy khi LĐLS Việt Nam thành lập Điều lệ “chính thống” liệu các văn bản có thể hiện được sự lãnh đạo và sự thống nhất của liên đoàn đối với các thành viên, trong khi các đoàn luật sư vẫn tự lập tự chủ. Ông Lê Hồng Sơn, quyền Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp khẳng định, trong quá trình xây dựng Dự thảo Điều lệ, Bộ Tư pháp và các thành viên Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc đã tham khảo nhiều ý kiến và luôn lấy phương châm “đoàn luật sư là thành viên đương nhiên của LĐLS Việt Nam”. Vậy nên, “không thể tách rời bất cứ điều nào ra khỏi tôn chỉ hoạt động của các đoàn luật sư”.

Ngày 15-8, một Hội thảo tương tự sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh để lấy ý kiến của các đoàn luật sư khu vực phía Nam đóng góp cho Dự thảo Điều lệ LĐLS Việt Nam, trước khi hoàn thiện dự thảo để trình Đại hội đại biểu LĐLS Việt Nam lần thứ I.

Tuấn Việt - Đại đoàn kết

Tin tức khác

Cuoi trang trong