Chủ tịch Liên đoàn Luật sư phải là luật sư danh tiếng

(Cập nhật: 5/9/2009 4:16:36 PM)

Bên lề hội thảo “Nhiệm vụ và vai trò của đoàn Luật sư trên quan điểm quốc tế” diễn ra tại Hà Nội ngày 3 và 4/11, VietNamNet trao đổi với ông Henrik Rothe, Tổng thư ký Đoàn Luật sư và Cộng đồng Luật Đan Mạch và bà Anne Ramberg, Tổng thư ký Đoàn Luật sư Thụy Điển về việc nâng cao vai trò của luật sư Việt Nam trong xã hội.

TTK Đoàn Luật sư và Cộng đồng Luật Đan Mạch Henrik Rothe: Nhà nước phải đảm bảo người nghèo cũng có thể tiếp cận  dịch vụ luật sư. Ảnh: XL

Tỷ lệ luật sư ở VN còn thấp
 
Việt Nam hiện có khoảng 4.000 luật sư so với dân số 86 triệu dân, tức trung bình khoảng 20.000 dân có một luật sư. Ở Đan Mạch và Thụy Điển, con số này là bao nhiêu? Vai trò luật sư đã được thể hiện như thế nào?
 

Ông Henrik Rothe: Dân số Đan Mạch là 5 triệu và đội ngũ luật sư có 5.000 người. Nhưng điều quan trọng không phải chỉ nhìn ở số lượng mà phải nhận thức luật sư cần thiết cho không chỉ doanh nghiệp mà cả những người bình thường.
 
Chi phí dịch vụ luật sư không rẻ mà rất đắt đỏ. Để thúc đẩy pháp quyền, một nhà nước phải có hệ thống pháp lý để đảm bảo người nghèo cũng có thể tiếp cận dịch vụ luật sư.

Doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ luật sư vì đơn giản là trong nền kinh tế toàn cầu, cạnh tranh, tư vấn pháp lý giúp bổ trợ doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, đem lại lợi nhuận tốt.

Nhưng với những người thông thường thì tiếp cận dịch vụ luật sư có thể giúp họ tiếp cận pháp quyền. Luật sư phải làm điều đó. Thậm chí có công việc họ sẵn sàng phục vụ miễn phí.
 
Bà Anne Ramberg: Thụy Điển có 4.500 luật sư nhưng dân số chỉ có 9,8 triệu người. Nếu so sánh, 1 luật sư ở đất nước chúng tôi phục vụ trung bình 2.279 người. Quả thực, nếu dân số 86 triệu dân mà chỉ có 4.000 luật sư là một tỷ lệ cực kỳ thấp.

Trong khi đó, tỷ lệ dân số trẻ ở Việt Nam rất cao. Tôi muốn nói nếu  không có bộ quy tắc độc lập, sự độc lập của bộ máy tư pháp cũng như sự độc lập của luật sư, sẽ rất khó để đảm bảo thực hiện một nhà nước pháp quyền. 
 
Một nhà nước pháp quyền phải có tòa án độc lập, luật sư độc lập cũng như cơ quan hành pháp để đảm bảo rằng không có tham nhũng. Đảm bảo không có tham nhũng là một trong những nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền.
 
10 năm để trở thành luật sư độc lập

Phải đảm bảo sự độc lập của luật sư. Ảnh: XL

Ông/bà nhấn mạnh yếu tố độc lập của luật sư có vai trò quan trọng trong việc góp phần đảm bảo thực hiện nhà nước pháp quyền. Trong khi đó, ở Việt Nam có thực trạng để trở thành luật sư lại khá đơn giản, thậm chí dễ dãi. Ở Đan Mạch và Thụy Điển thì như thế nào?
 
Bà Anne Ramberg: Ở Thụy Điển, để trở thành một luật sư độc lập, trước tiên bạn phải được đào tạo 5 năm trong trường Đại học về luật học.

Sau khi tốt nghiệp, bạn phải đến thực tập bắt buộc ở một hãng luật trong vòng 5 năm nữa. Sau đó, bạn phải tham gia một kỳ thi sát hạch. Kế đó mới được nộp đơn thi gia nhập làm thành viên của Đoàn luật sư Thụy Điển.
 
Nhưng để được chính thức được hành nghề độc lập, bạn phải chứng minh sự chuyên nghiệp, phải đưa ra được thư giới thiệu chứng thực năng lực của các tòa án, các luật sư mà bạn đã làm việc, liên lạc trong suốt thời gian 5 năm thực tập. Tất nhiên bạn phải không bị phê phán, chê trách nhiều. Hoàn thành kỳ thi của Đoàn luật sư, bạn có thể trở thành thành viên và làm việc độc lập. Chúng tôi rất coi trọng bảo vệ danh hiệu luật sư. 
 

"Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt nếu không đẩy nhanh việc đào tạo, thiết lập đội ngũ luật sư có chuẩn mực cao và đảm bảo thu nhập xứng đáng cũng như sự độc lập thực sự cho luật sư". 

Bà Anne Ramberg, Tổng thư ký Đoàn Luật sư Thụy Điển

Ông Henrik Rothe: Thời gian thực tập sau tốt nghiệp ở Đan Mạch chỉ kéo dài 3 năm nhưng sau đó để trở thành luật sư độc lập thì cũng phải thi vào Đoàn Luật sư và Cộng đồng Luật. Luật sư trẻ sẽ phải đến tòa để thẩm phán hoặc các luật sư trưởng kiểm tra, xem xét liệu bạn có đủ năng lực làm nghề không. 
 
Việt Nam đang chuẩn bị gấp rút ra mắt Liên đoàn Luật sư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, giám sát việc tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Theo kinh nghiệm của ông/bà, những người đứng đầu hiệp hội, tổ chức về nghề luật sư thường phải có kinh nghiệm bao nhiêu năm?
 
Bà Anne Ramberg: Chúng tôi không có quy định rõ về tiêu chuẩn lãnh đạo nhưng thường phải là luật sư có kinh nghiệm cao, có danh tiếng. Trước khi ngồi ở vị trí Tổng thư ký, tôi đã hành nghề trong hãng luật 23 năm và giờ tôi đã làm trong Đoàn luật sư 8 năm.
 
Ông Henrik Rothe: Tôi không là luật sư khi tôi đảm nhận vị trí Tổng thư ký nhưng tôi từng là thẩm phán. Riêng vị trí Chủ tịch Đoàn Luật sư thì chắc chắn phải là luật sư. Ở Thụy Điển, Tổng thư ký có thể phát ngôn trên báo chí nhưng ở Đan Mạch vị trí phát ngôn phải là Chủ tịch.
 
Khi Việt Nam chuẩn bị thành lập Liên đoàn Luật sư toàn quốc cũng có nghĩa là Liên đoàn sẽ được chấp thuận trong cộng đồng pháp lý quốc tế. Nhưng để được chấp thuận, luật sư Việt Nam phải đảm bảo những chuẩn mực nhất định, độc lập, phục vụ theo nguyên tắc, điều lệ của mình. Các đoàn luật sư thế giới sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và nếu Việt Nam muốn gia nhập cộng đồng quốc tế, Việt Nam phải đảm bảo được những chuẩn mực quốc tế.

  • Xuân Linh - Viet nam net

 

Tin tức khác

Cuoi trang trong